22/06/2022 - 14:35
(Báo Xây dựng) – Thêm một mốc son trong lịch sử hơn 20 năm xây dựng và phát triển của VICEM Hoàng Mai, đó là cuối tháng 3/2022 hoàn thành dự án cải tạo chiều sâu, thay đổi về công nghệ, giúp DN đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh và tăng lợi thế cạnh tranh.
VICEM Hoàng Mai đã cải tạo, sửa chữa lớn; tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh. |
Đổi mới sáng tạo để bứt phá
Khát vọng làm chủ công nghệ trở thành động lực quan trọng giúp VICEM nói chung và VICEM Hoàng Mai nói riêng quyết tâm thực hiện dự án. Qua quá trình tự nghiên cứu, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm khi sửa chữa, cải tạo các dây chuyền lò nung của VICEM Bút Sơn, VICEM Hoàng Thạch, VICEM Hải Phòng; đặc biệt với sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ kỹ thuật VICEM nói chung và VICEM Hoàng Mai nói riêng; Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã tin tưởng, chỉ đạo VICEM Hoàng Mai phối hợp với đơn vị trong VICEM và tư vấn trong nước là Viện Vật liệu xây dựng tự thực hiện sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt hệ thống lò; thiết bị được nội địa hóa 100%.
VICEM Hoàng Mai đã cải tạo, thay thế 4 cyclone C1 bằng cyclone thế hệ mới nâng cao hiệu suất lắng; Thay thế 30 dầm ghi và hàng ghi 1 bằng dầm ghi, kiểu tấm ghi thế hệ mới; Cải tạo calciner off – line kiểu downdraft của FCB sang dạng in – line; Cải tạo kilnhood để thay đổi vị trí thu hồi nhiệt gió 3; Cải tạo các thiết bị phụ trợ đi kèm. Quá trình triển khai đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và máy móc thiết bị, vượt tiến độ so với kế hoạch.
Ngoài tăng năng suất lò nung lên 300 tấn clinker/ngày so với trước cải tạo (tương đương 100.500 tấn clinker/năm), tăng 600 tấn clinker/ngày so với năng suất thiết kế (201.000 tấn clinker/năm), mang lại hiệu quả khoảng 8,8 tỷ đ/năm; lò nung của VICEM Hoàng Mai đã sử dụng được than có phẩm cấp thấp, giảm tiêu hao than 45 kcal/kg clinker, tương đương giảm chi phí sản xuất 42 tỷ đồng/năm; giảm tiêu hao điện trên 2 KWh/tấn clinker, tương đương giảm chi phí sản xuất 4,9 tỷ đồng/năm.
Việc sửa chữa, cải tạo sớm hơn kế hoạch, giảm được 2,5 tỷ đồng cho vật tư sắt, thép, khi giá vật tư ngày càng tăng. Thay đổi thời gian dừng lò sang tháng 3, góp phần tăng hiệu quả sản xuất các tháng tiếp theo hơn 16 tỷ đồng. Giảm 2,3 ngày dừng lò nung so với kế hoạch, làm tăng sản lượng clinker và hiệu quả kinh doanh 1,6 tỷ đồng. Việc tự thực hiện sửa chữa, cải tạo, xử lý nút thắt ở VICEM Hoàng Mai giảm 20 tỷ đồng chi phí thuê chuyên gia nước ngoài, tiết kiệm chi phí sửa chữa hàng năm tại tháp trao đổi nhiệt và ghi lạnh khoảng 1,5 tỷ đồng. Qua tính toán, thời gian thu hồi vốn khoảng 1,2 năm.
Lãnh đạo VICEM Hoàng Mai vui mừng chia sẻ: Dự án cải tạo của VICEM Hoàng Mai đạt hiệu quả tốt; thành công ngoài mong đợi; mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, kỹ thuật và môi trường. Thời gian tới, VICEM Hoàng Mai dự kiến sử dụng từ 10 – 30% rác thải làm nhiên liệu thay thế, phấn đấu trong tương lai sẽ sử dụng trên 50% nhiên liệu thay thế; giảm phát thải bụi, phát thải khí NOx, giảm tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tài nguyên không tái tạo, hướng tới sản xuất xanh, bền vững. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; thị trường xi măng cung vượt cầu, cạnh tranh khốc liệt; đổi mới sáng tạo, xử lý nút thắt trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng của VICEM và các đơn vị thành viên; giúp DN tăng lợi thế cạnh tranh.
Tiếp tục đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt thừa phát điện
Theo lãnh đạo VICEM Hoàng Mai, nếu không cải tạo chiều sâu, đột phá về công nghệ, VICEM Hoàng Mai không thể thực hiện được các dự án: Tận dụng nhiệt thừa để phát điện, sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế. Thành công của dự án cải tạo chiều sâu, thay đổi về công nghệ tạo tiền đề quan trọng, giúp VICEM Hoàng Mai tự tin triển khai Dự án đầu tư Hệ thống phát điện tận dụng nhiệt thừa phát điện.
Ông Lê Trung Kiên – Phó tổng giám đốc VICEM Hoàng Mai nhấn mạnh: Với công suất 7 MW, dự kiến tổng mức đầu tư (giá trị trước thuế) 267,95 tỷ đồng; hệ thống phát điện sử dụng nhiệt khí thải của VICEM Hoàng Mai hoàn thành cung cấp 41.645 MW/năm, không phát lên điện lưới quốc gia, đáp ứng 25% nhu cầu điện cho dây chuyền sản xuất xi măng của nhà máy. Trong bối cảnh thiếu điện, giá điện giờ cao điểm tăng cao, con số trên vô cùng ý nghĩa.
Đánh giá về tính khả thi của dự án, ông Kiên cho biết: Trong bối cảnh nguồn cung cấp điện thường xuyên thấp hơn nhu cầu, giá điện cao như hiện nay; dự án sử dụng nhiệt thừa của VICEM Hoàng Mai có tính khả thi cao, khả năng thu hồi vốn và đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cho DN. Việc đầu tư dự án sẽ làm tăng nguồn thu về kinh tế cho cả chủ đầu tư, địa phương và nền kinh tế quốc dân; góp phần làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo các thỏa thuận chống biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia.
Ngày 06/6 vừa qua, Bộ Công Thương có Văn bản số 3102/BCT-ĐL bổ sung quy hoạch Dự án tận dụng nhiệt khí thải phát điện Nhà máy Xi măng Hoàng Mai vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến năm 2035. Ngày 10/6, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã giao Sở Công Thương hướng dẫn VICEM Hoàng Mai và giám sát thực hiện đầu tư theo quy định.
VICEM Hoàng Mai chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến quý IV/2022 sẽ đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.
Đổi mới sáng tạo đã tạo đà, giúp VICEM Hoàng Mai bứt phá vươn lên, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cho DN và cho xã hội.