Phê duyệt gần 305 triệu tấn trữ lượng đá vôi và đá sét làm nguyên liệu xi măng tại Nghệ An

27/01/2022 - 08:34


Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia vừa thông qua có sửa chữa báo cáo kết quả thăm dò đá vôi Bắc Thắng và đá sét Đá Bạc 2 làm nguyên liệu xi măng tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

_mg_1784.jpg

Ông Trần Minh Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khảo sát và Xây dựng – USCO

Theo đó, công tác thăm dò đã đạt một số kết quả nhất định. Về nghiên cứu địa chất, ông Trần Minh Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khảo sát và Xây dựng – USCO, đơn vị tư vấn cho biết, đơn vị đã đo vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ 1:2.000. Từ các tài liệu thu thập được, kết hợp với tài liệu địa chất trong quá trình thi công công trình thăm dò và kết quả phân tích mẫu đã làm rõ được cấu trúc địa chất, phân định được các tập thạch học làm cơ sở cho việc thi công các công trình thăm dò và thành lập được bản đồ địa chất, tỷ lệ 1:2.000 khu vực thăm dò.

Về thăm dò địa chất, công tác trắc địa cơ bản đáp ứng được yêu cầu thăm dò tính trữ lượng khoáng sản. Tuy nhiên, hạn chế là công tác xác định vị trí lấy trên mặt xác định bằng máy toàn đạc điện tử kết hợp với máy GPS cầm tay nên độ chính xác đôi chỗ còn là hạn chế.

Trong khi đó, công tác thăm dò về cơ bản đã thu thập được những số liệu làm cơ sở khoanh định các tập đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng để tính trữ lượng cấp 121, 122.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu chất lượng về cơ bản đã xác định được đặc điểm chất lượng, tính chất công nghệ của đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng và đá vôi sét, sét vôi không đạt chỉ tiêu làm nguyên liệu sản xuất xi măng làm vật liệu xây dựng thông thường.

photocat-1-.jpg

Thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng. Ảnh minh họa

Theo ông Trần Minh Đức, đơn vị tư vấn đã thực hiện đo vẽ bản đồ địa chất thủy văn và địa chất công trình tỷ lệ 1/2.000; quan trắc đơn giản địa chất thủy văn – địa chất công trình; xác định được đặc điểm địa chất thủy văn – địa chất công trình khu vực thăm dò… Tuy nhiên, công tác địa chất thủy văn – địa chất công trình được tiến hành trong mùa khô nên các giai đoạn tiếp theo cần bổ sung nghiên cứu để có các số liệu đánh giá trong mùa mưa.

Về công tác tính trữ lượng, trên cơ sở kết quả thăm dò ở mỏ, tham khảo chỉ tiêu các mỏ có chất lượng và đặc điểm địa chất tương tự, chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai) đã luận giải chỉ tiêu tính trữ lượng tạm thời cơ bản là phù hợp với tài liệu thăm dò và các chỉ tiêu của các mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng đã phê duyệt tại Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.

Đánh giá về công tác tính trữ lượng, ông Trần Lê Châu – Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết: “Việc khoanh nối thân đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng tính trữ lượng là phù hợp. Xếp cấp trữ lượng về cơ bản phù hợp với mạng lưới công trình thăm dò. Tuy nhiên, công tác lấy mẫu mặt theo phương pháp mẫu điểm, nhiều mẫu lấy theo mặt lớp và chiều dài lớn và định vị bằng máy GPS cầm tay là còn hạn chế để khoanh nối các tập đá vôi sét, sét vôi, do đó, cần lưu ý các tập đá này trong quá trình khai thác”.

Với những kết quả thăm dò trên, Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thông qua trữ lượng đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Theo đó, trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu xi măng cấp 121 và cấp 122 là 272.789 nghìn tấn. Trữ lượng đá sét làm nguyên liệu xi măng cấp 121 và cấp 122 là 31.818 nghìn tấn. Ngoài ra, còn có trữ lượng các khoáng sản đi kèm gồm: trữ lượng đất sét phủ trên đá vôi làm nguyên liệu xi măng cấp 122 là 7.511 nghìn tấn; trữ lượng đá vôi sét, sét vôi làm vật liệu xây dựng thông thường cấp 121 và cấp 122 là 11.217 nghìn m3.

Với những con số trữ lượng trên, Hội đồng đánh giá, trữ lượng đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng cơ bản đạt mục tiêu của đề án đặt ra. Theo một thành viên Hội đồng, đơn vị tư vấn đã lập báo cáo theo đúng quy định; các số liệu thu được từ công tác thăm dò được xử lý và phản ánh trung thực; cấu trúc mỏ và đặc điểm thân quặng, chất lượng quặng được nghiên cứu đầy đủ và phù hợp với thực tế mỏ; số liệu tính toán trữ lượng và tài nguyên có đủ độ tin cậy.

Nguồn: Báo Tài Nguyên Môi Trường